Địa vị Hoàng_quý_phi

Vị phân cao nhất

Trong Hậu cung, Hoàng quý phi là phi tần địa vị tôn quý cao nhất, gần với Hoàng hậu nhất.

Hoàng quý phi của Minh triều không có ghi chép cụ thể về vai trò, cũng như ghi nhận không phải chỉ duy nhất một Hoàng quý phi cùng tồn tại, như Hoàng quý phi Vương thị và Hoàng quý phi Thẩm thị đồng thời được tấn phong của Minh Thế Tông Chu Hậu Thông[6]. Thời Thuận Trị, Thanh Thế Tổ tiếp tục lấy quy chế này của nhà Minh, sách lập sủng phi Đổng Ngạc thị làm Hoàng quý phi, là Hoàng quý phi đầu tiên của triều Thanh, từ đó thành điển lệ, được Thanh Thánh Tổ sử dụng để thiết lập hệ thống hậu cung nhà Thanh hoàn chỉnh về sau. Hoàng quý phi ở hàng thứ nhất, sau đó là 2 vị Quý phi, 4 vị Phi, 6 vị Tần, dưới nữa là Quý nhân, Thường tạiĐáp ứng là các tiểu thiếp không hạn định số người.

Do chỉ ngay dưới danh hiệu Hoàng hậu, hơn nữa lại được Thuận Trị Đế tạo ra dùng để phong cho Đổng Ngạc phi, cái danh vị "Hoàng quý phi" trong văn hóa dân gian được gọi nôm na là Trung cung chi thứ (中宫之次), Thủ tương nội trị (首襄内治) hay Phó hậu (副后). Thế nhưng thực tế mà nói thì Hoàng quý phi vẫn chỉ là tước vị dành cho một phi tần. Theo quy định trong Quốc triều cung sử, Hoàng quý phi đến Tần vị thứ cao như nhau, giúp Hoàng hậu ["Tá nội trị"; 佐内治][7], có nghĩa là có thể đứng ra làm một số việc ["phụ giúp"] Hoàng hậu, nhưng không thể xem là [Chủ nội trị] được. Nói cách khác, Hoàng quý phi chỉ hơn các hậu cung từ tước Tần trở lên ở chỗ có đãi ngộ cao nhất, lễ nghi cao nhất, nhưng không có nghĩa là địa vị của Hoàng quý phi đủ để làm chủ. Còn những bậc Quý nhân trở xuống địa vị cực nhỏ, chỉ có thể ["Cần tu nội chức"; 勤修内职], tuân thủ nghiêm ngặt cung quy mà không có quyền tá lý nội trị như tước Tần trở lên[8]. Nhưng mà, tất cả các việc nội sự thực chất đều rơi vào Nội vụ phủ, mà hậu phi triều Thanh chỉ có vai trò hữu hảo và hầu hạ Hoàng đế và Hoàng thái hậu. Nói cách khác, vai trò của Hậu phi nhà Thanh, kể cả Hoàng quý phi lẫn Hoàng hậu, không mang tính chất lãnh đạo. Khoảng cách giữa các phi tần thời Thanh cũng chỉ khác về lễ nghi và cung phân, đây là bởi vì mọi phi tần (kể cả Hoàng quý phi) chỉ có thể xử phạt cung nữthái giám của riêng mình, còn lại chỉ có thể ["Hạch tội"] các phi tần, cung nữ hay thái giám ở nơi khác, hình phạt cuối cùng đều phải do Hoàng đế tiến hành tra khảo thông qua Thận Hình ty rồi định đoạt, mà hình phạt chính dành cho phi tần đều rơi vào cấm túc hoặc giáng vị.

Bên cạnh đó, hậu cung triều Thanh có quy định khá nghiêm ngặt về tác phong hậu phi, không thể không kể đến đoàn tháp tùng dùng các đồ vật mang tính chất lễ nghi trong các dịp quan trọng. Quý phi đến Hoàng quý phi là [Nghi trượng; 儀仗], hai bậc Tần cùng Phi có thể sử dụng một loại tùy tùng gọi là [Thải trượng; 采仗]. Riêng bậc Hoàng hậu cùng Hoàng thái hậu, hay Thái hoàng thái hậu thì đoàn tháp tùng được gọi là [Nghi giá; 儀駕]. Còn từ Quý nhân trở xuống đều không được phép sử dụng. Tuy trên điển chế, một Hoàng đế chỉ có một Hoàng quý phi, nhưng các triều sau vẫn có thể tấn tôn Phi tần của triều trước lên, tạo ra tình trạng có thể cùng một lúc có nhiều người là Hoàng quý phi, đặc biệt biết đến là 4 vị Thái phi thời Tuyên Thống: Đoan Khang Hoàng quý phi, Kính Ý Hoàng quý phi, Trang Hòa Hoàng quý phiVinh Huệ Hoàng quý phi.

Nhiếp lục cung sự

Chỉ là phi tần, Hoàng quý phi không có quyền hành gì trong cung đình triều Thanh ngoài lễ ngộ cao nhất. Thời Thuận Trị, Thanh Thế Tổ lần đầu sách phong Hoàng quý phi, đã vì Đổng Ngạc thị mà chiếu cáo kèm đại xá thiên hạ vốn là đại lễ lập Hậu của nhà Thanh. Bên cạnh đó Thế Tổ còn dùng cụm từ [Sách lập; 册立] vốn chỉ dành cho Hoàng hậu để tiến hành tấn phong cho Đổng Ngạc phi. Đó là lần đầu tiên triều Thanh có Hoàng quý phi, và cũng là lần đầu tiên vị trí Hoàng quý phi phá rào cản, có thể ngang với Hoàng hậu.

Sang thời Càn Long, Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu băng thệ, Thanh Cao Tông phong Nhàn Quý phi Na Lạp thị làm Hoàng quý phi. Khi định chọn lễ tấn lập cùng nghi thức, Cao Tông tiếp tục noi theo việc làm của thời Thế Tổ, khiến cho danh vị Hoàng quý phi được xem ngang hàng với Hoàng hậu khi Hoàng đế dùng chữ [Sách lập] và tuyên cáo danh hiệu của Hoàng quý phi là 「Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi; 攝六宮事皇貴妃」[9]. Theo đó, Na Lạp thị tuy ở vị trí Hoàng quý phi, nhưng đã có quyền thay Hoàng hậu nhiếp chính việc của lục cung, nói cách khác thì Na Lạp thị đã là một nửa Hoàng hậu. Địa vị của Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi còn được khẳng định thông qua buổi lễ tấn phong của bà không khác gì Hoàng hậu, Càn Long Đế còn vì bà mà làm công bố chiếu cáo thiên hạ, loại đại lễ chỉ dành khi lập Hoàng hậu và Hoàng thái tử; ngay cả sinh thần của bà trong khi làm Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi cũng được án theo quy chế Trung cung mà cử hành. Sau khi mãn tang 3 năm của Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu kết thúc, Hoàng quý phi Na Lạp thị chính thức trở thành Kế Hoàng hậu.

Theo điển chế nhà Thanh, Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi Na Lạp thị là vị Hoàng quý phi đầu tiên được dùng màu ["Minh hoàng sắc"; 明黄色] - loại màu vàng tươi sáng mà trước đó chỉ được dùng bởi Thái hoàng thái hậu, Hoàng thái hậu, Hoàng đế cùng Hoàng hậu. Vốn vào thời Khang Hi và Ung Chính, Hoàng quý phi cùng Quý phi nhà Thanh tương đương như nhau không có phân biệt, nhưng từ triều Càn Long sách lập Na Lạp thị làm Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi, khiến cho quy chế của Hoàng quý phi từ đó về sau được quy định một số chi tiết quần áo và nghi trượng đều tương tự Đế-Hậu, từ đó, một khoảng cách giữa Hoàng quý phi và Quý phi đã được hình thành. Và cũng từ thời Càn Long đã hình thành nên một "lệ bất thành văn" của triều đình nhà Thanh: Hoàng hậu chính thất qua đời, vị phi tần tiếp theo có khả năng làm Hoàng hậu thì sẽ phong Hoàng quý phi trước, sau khi mãn tang Hoàng hậu thì sẽ trở thành Kế Hoàng hậu, ví dụ như: Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu, Hiếu Hòa Duệ hoàng hậu cùng Hiếu Toàn Thành hoàng hậu đều như vậy.